Lựa chọn rèm cửa phù hợp với phong cách thiết kế nội thất
08/12/2023 15:16:48
0
Trên thực tế, rèm cửa là một phần rất quan trọng trong việc trang trí nhà cửa và đóng vai trò tạo nên bầu không khí sống động cho căn phòng. Hơn nữa, rèm cửa còn thực hiện các chức năng quan trọng như che nắng, điều chỉnh độ sáng, bảo vệ sự riêng tư. Bài viết này sẽ tập trung vào các cách kết hợp rèm với phong cách thiết kế khác nhau và chia sẻ một số thông tin hữu ích.
I. Phong cách thiết kế hiện đại
Rèm trắng nhẹ nhàng dành cho bậu cửa sổ
1. Phong cách thiết kế hiện đại là gì?
Phong cách thiết kế hiện đại chủ trương đột phá truyền thống, đơn giản hóa các yếu tố thiết kế, màu sắc và nguyên liệu thô đến mức tối thiểu, nhưng đòi hỏi yêu cầu cao về kết cấu của màu sắc và vật liệu, hướng đến sự tiện nghi và công năng sử dụng.
2. Nguồn gốc của phong cách thiết kế hiện đại?
Phong cách thiết kế hiện đại là một loại văn hóa thiết kế mới xuất hiện ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ vào những năm 1920 và 1930. Hiện nay phong cách thiết kế hiện đại vẫn được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.
3. Đặc điểm của phong cách thiết kế hiện đại?
Rèm hai lớp giúp cản sáng tối ưu
Chú trọng vào tính năng: văn hóa thiết kế này nhấn mạnh tính thực tế và hiệu quả sử dụng dựa trên tính thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu của đại đa số người dùng.
Sự đơn giản: phong cách thiết kế hiện đại quan tâm đến việc áp dụng công nghệ mới trong thiết kế. Các đồ vật được tạo ra bởi văn hóa thiết kế này thường không có những trang trí cầu kỳ không cần thiết, thường có đường nét và hình dạng đơn giản.
Sự mềm mại: thiết kế hiện đại rất chú trọng đến sự kết hợp giữa hình thức và chức năng. Các đồ vật thường có thiết kế mềm mại, uyển chuyển nhằm đạt được sự cân bằng, giúp tổng thể không bị đơn điệu, nhàm chán.
Tính bền vững: văn hóa thiết kế hiện đại không chỉ chú trọng tính thẩm mỹ của thiết kế, mà còn rất quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường.
Tính thời thượng: phong cách thiết kế hiện đại nhấn mạnh sự mới mẻ và thời thượng, nó thể hiện sự sáng tạo và tư duy của con người hiện đại.
Áp dụng công nghệ kỹ thuật: phong cách thiết kế hiện đại áp dụng các công nghệ tiên tiến, giúp các công trình thiết kế đạt được hiệu quả và mang đến trải nghiệm tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dùng tốt hơn.
4. Cách lựa chọn loại rèm phù hợp
Nhiều người cho rằng rèm mang phong cách hiện đại là rèm màu trơn đơn giản. Nhưng thực tế, phong cách hiện đại theo đuổi quan niệm “đơn giản nhưng không đơn điệu”, rèm cửa theo phong cách hiện đại mang lại cảm giác thanh khiết và trang nhã. Nhìn chung, rèm cửa theo phong cách hiện đại tuy có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại có yêu cầu rất cao về chất liệu, công nghệ cũng như kiểu dáng và màu sắc bên ngoài của rèm.
Chất liệu: Các chất liệu rèm phổ biến bao gồm cotton, lanh, polyester, nhung... Khi chọn chất liệu rèm, bạn có thể thử kết hợp nó với các đồ nội thất trong nhà, ví dụ nếu phòng khách sử dụng sofa bọc vải thì rèm có thể lựa chọn chất liệu vải như cotton, lanh, nếu phòng khách phòng sử dụng ghế sofa bọc da thì bạn có thể chọn rèm làm từ chất liệu có bề mặt nhẵn mịn và hiệu ứng da.
Kiểu dáng: nên chọn rèm có nếp gấp gọn gàng và độ rủ cao, giúp tạo cảm giác đơn giản.
Về họa tiết, bạn có thể chọn vải không có họa tiết hoặc chọn những họa tiết tương đối đơn giản như sọc, gợn sóng..., tránh chọn những họa tiết cầu kỳ.
Màu sắc: rèm cửa theo phong cách hiện đại thường có màu sắc đồng nhất. Ví dụ, tông màu sáng như trắng nhạt, be, hồng nhạt, xám nhạt..., tông màu tối như vàng đậm, xanh đậm, nâu sẫm.... Thông thường rèm chỉ sử dụng một màu duy nhất, tuy nhiên bạn có thể phối thêm một chút màu sắc nổi bật để không gian trông bớt đơn điệu.
Ngoài chất liệu, kiểu dáng và màu sắc thì công nghệ may rèm cũng rất quan trọng, một chiếc rèm có đường may xiêu vẹo, nhiều chỉ thừa, đặc biệt viền rèm không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng tổng thể của căn phòng.
II. Phong cách thiết kế tân cổ điển
Rèm trần tự động theo phong cách tân cổ điển
1. Phong cách thiết kế tân cổ điển là gì?
Đúng như tên gọi, phong cách thiết kế tân cổ điển thực chất là phong cách cổ điển đã được cải tiến. Phong cách này lấy cảm hứng từ vẻ đẹp tráng lệ của những tòa nhà, lâu đài cổ điển và sự phóng khoáng của phong cách hiện đại. có thể nói, phong cách thiết kế tân cổ điển mang nét đẹp giao thoa hoàn hảo giữa cổ điển và hiện đại.
2. Nguồn gốc của phong cách thiết kế tân cổ điển?
Phong cách thiết kế tân cổ điển có nguồn gốc từ kiến trúc Hy Lạp cổ đại xuất hiện từ những năm 1750. Đến thế kỷ 18 - 19, phong trào kiến trúc này bắt đầu lan rộng khắp Châu Âu và đến vùng Bắc Mỹ, nó thật sự trở nên bùng nổ và có sức ảnh hướng lớn.
3. Đặc điểm của phong cách thiết kế tân cổ điển?
Rèm trần tự động theo phong cách tân cổ điển
Chất liệu cao cấp: đối với phong cách tân cổ điển, thì chất liệu chính là yếu tố quan trọng tạo được sức ảnh hưởng riêng biệt so với những trường phái nội thất khác. Thiết kế nội thất tân cổ điển ưu tiên lựa chọn chất liệu gỗ tự nhiên, đá hoa cương, chất liệu da.
Màu sắc sang trọng: bảng màu trong phong cách thiết kế tân cổ điển sẽ không quá nặng nề, hoài cổ hay quá tươi sáng, rực rỡ. Phong cách này ưa chuộng những gam màu trung tính như màu trắng kem, vàng nhạt, màu gỗ, màu xám đen, màu xanh rêu... giúp tôn lên nét đẹp quý phái đầy thanh lịch nhưng cũng rất phóng khoáng.
Họa tiết trang trí cầu kỳ: khi bước vào căn phòng được thiết kế theo phong cách tân cổ điển bạn sẽ dễ dàng nhận ra những đặc trưng từ họa tiết, hoa văn được chạm khắc khá cầu kỳ trên tường hay những nội thất bàn tủ được bài trí xung quanh.
4. Cách lựa chọn loại rèm phù hợp
Chất liệu
Dù là cotton, lanh, nhung hay polyester thì mỗi chất liệu đều có những ưu điểm riêng.Vì vậy, chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi lựa chọn chất liệu rèm.
Rèm cotton có khả năng hút ẩm và thoáng khí tốt, phù hợp với những ngôi nhà mang phong cách cổ điển Châu Âu. Bên cạnh đó, vải rèm cotton mềm mại và thoải mái có thể phối cùng với diềm và ren được trang trí tinh xảo.
Rèm lụa mang một vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa, vải lụa khá nhẹ và trong suốt có thể làm cho không gian trở lên thoáng đãng và giúp tăng độ sáng. Vải lụa mềm mại, trơn bóng, kết hợp cùng với diềm và ren được thiết kế lộng lẫy và tinh xảo sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho không gian của những ngôi nhà mang phong cách cổ điển châu Âu.
Rèm vải nhung mềm mịn, có khả năng cách nhiệt tốt nên thích hợp sử dụng vào mùa đông. Vải nhung có thể làm tăng cảm giác ấm áp và cao cấp cho không gian, phù hợp để kết hợp với những diềm cửa sổ lộng lẫy và đồ trang trí bằng ren tinh tế.
Kiểu dáng
Rèm theo phong cách tân cổ điển thường sử dụng yếm rèm làm điểm nhấn, giúp tấm rèm trở nên nổi bật và ấn tượng hơn.
Họa tiết
Có thể nói, ranh giới giữa tân cổ điển và cổ điển là khá mong manh. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết phong cách tân cổ điển vì những hoa văn trang trí theo chủ nghĩa cổ điển trong quá khứ đã được giản lược,thay vào đó là những đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.
Màu sắc
Rèm cửa phong cách tân cổ điển hầu hết có gam màu trung tính với độ bão hòa cao giúp chúng dày dặn và trở nên cao cấp hơn. Rèm màu sẫm sẽ phù hợp cho những không gian lớn nhiều ánh sáng hay phòng ngủ vì giúp cân chỉnh độ sáng cho bạn một cảm giác thoải mái. Rèm màu sáng nên đặt ở những phòng có diện tích nhỏ thiếu ánh sáng để tăng thêm độ sinh động cho căn phòng.
III. Phong cách thiết kế tối giản
Rèm theo phong cách thiết kế tối giản
1. Phong cách thiết kế tối giản là gì?
Phong cách thiết kế tối giản là một biến thể của phong cách thiết kế hiện đại. Mục tiêu của phong cách này là loại bỏ tất cả vật dụng không cần thiết với khẩu hiệu “less is more” nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng tối đa.
2. Nguồn gốc của phong cách thiết kế tối giản?
Phong cách thiết kế tối giản xuất phát từ phong trào nghệ thuật phương Tây sau Thế chiến thứ 2 và phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn 1960 – 1970 và cho đến ngày này thì phong cách này vẫn được đón nhận.
3. Đặc điểm của phong cách thiết kế tối giản?
Rèm trần tự động theo phong cách tối giản
Bố cục không gian mở: bố cục không gian của phong cách tối giản thường đơn giản, rõ ràng và tự nhiên. Ưu tiên thiết kế không gian mở tích hợp nhiều chức năng giúp không gian trong nhà trở nên thông thoáng hơn. Việc sắp xếp đồ đạc cũng dựa trên các chức năng cơ bản của chúng.
Vật liệu tự nhiên: phong cách tối giản tập trung vào các vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường như đá, gỗ, thủy tinh…
Khoảng trống: nhìn tổng thể không gian có rất nhiều khoảng trống do mọi đồ vật đã được giản lược chỉ tập trung vào chức năng của chúng và có sự phân biệt chức năng rõ ràng
4. Cách lựa chọn loại rèm phù hợp
Chất liệu: phong cách thiết kế tối giản đề cao việc bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống lành mạnh, nên chất liệu rèm thường được làm từ chất liệu tự nhiên như cotton, lanh, lụa... Những chất liệu này có đặc tính thoáng khí tốt, giúp phòng trở nên mềm mại hơn.
Kiểu dáng, họa tiết: kiểu dáng rèm được thiết kế khá đơn giản, trang nhã, không cầu kì phức tạp. Bạn có thể chọn những họa tiết hình học đơn giản như hình tròn, hình vuông…
Màu sắc: phong cách tối giản thường ưa chuộng các gam màu tự nhiên, tươi sáng, các màu trung tính như trắng, đen, xám. Cách phối màu chủ yếu là những gam màu đơn sắc, không sử dụng những gam màu quá trầm để không gian luôn sáng sủa, tươi mới.
IV. Phong cách thiết kế Địa Trung Hải
Rèm theo phong cách thiết kế Địa Trung Hải
1. Phong cách thiết kế Địa Trung Hải là gì?
Phong cách thiết kế Địa Trung Hải gắn liền với vẻ đẹp thiên nhiên của nắng, của gió, của biển cả với sắc màu sắc bắt mắt, tất cả được hòa quyện trong kiến trúc, nội thất để mang đến một không gian sống trần đầy sức sống và tươi mới.
2. Nguồn gốc của phong cách thiết kế Địa Trung Hải?
Phong cách thiết kế Địa Trung Hải có tên gọi đầy đủ là phong cách Địa Trung Hải Phục Hưng. Bắt nguồn từ các quốc gia châu Âu nằm ở phía Bắc bờ biển Địa Trung Hải ở những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
3. Đặc điểm của phong cách thiết kế Địa Trung Hải?
Rèm theo phong cách thiết kế Địa Trung Hải
Đường nét đơn giản: các đường nét trang trí theo phong cách Địa Trung Hải rất đơn giản, trong quá trình trang trí sẽ không sử dụng kỹ thuật trang trí, chạm khắc phức tạp, các đường nét có độ mượt tự nhiên, thể hiện thái độ sống nhàn nhã, yêu đời.
Lấy màu xanh làm chủ đạo: đặc điểm lớn nhất của phong cách thiết kế Địa Trung Hải là luôn tràn ngập màu xanh dương, màu của đại dương và bầu trời, tượng trưng cho sự tự do.
Cửa mái vòm: sử dụng cửa sổ và cửa ra vào hình mái vòm để kết nối không gian trong nhà, tạo cảm giác không gian trong nhà như được mở rộng.
Chất liệu tự nhiên: những chất liệu tự nhiên như đá cẩm thạch, gốm, sứ, tre, nứa,… đều là những vật dụng được ưu tiên đưa vào trong thiết kế nhằm mang đến không gian đậm chất Địa Trung Hải.
4. Cách lựa chọn loại rèm phù hợp
Chất liệu
Chất liệu cotton và lanh: rèm pha trộn giữa cotton và lanh đem lại cảm giác mềm mại, thoáng khí, làm tăng thêm cảm giác tự nhiên cho căn phòng. Voan trắng: rèm vải voan trắng không chỉ làm tăng độ sáng cho căn phòng mà còn tạo thêm bầu không khí lãng mạn. Sợi thiên nhiên: rèm làm bằng tre, gỗ và các vật liệu tự nhiên khác vừa bảo vệ môi trường lại rất phù hợp với phong cách Địa Trung Hải.
Họa tiết
Yếu tố biển cả: các họa tiết như vỏ sò, hải âu và rong biển có thể thể hiện rõ phong cách Địa Trung Hải. Hoa văn phong cách dân tộc: các họa tiết phong cách dân tộc như tranh vẽ, tranh chắp vá, thêu thùa,… có thể tăng thêm tính nghệ thuật cho căn phòng. Yếu tố tự nhiên: các yếu tố tự nhiên như hoa lá, dây leo và cành có thể làm cho rèm cửa trở nên tự nhiên và sống động hơn.
Màu sắc
Thiết kế rèm theo phong cách Địa Trung Hải lấy màu trắng và xanh nước biển làm chủ đạo, kết hợp cùng với những gam màu tươi sáng. Sau đây là một số cách kết hợp màu sắc cơ bản: Màu trắng và xanh dương: đây là sự kết hợp màu sắc kinh điển, rèm cửa màu trắng và xanh dương kết hợp với nhau tạo nên bầu không khí trong lành và tươi sáng. Màu trắng và vàng nhạt: sự kết hợp này vẫn giữ được sự tươi mới của phong cách Địa Trung Hải đồng thời tăng thêm chút ấm áp, phù hợp với những căn phòng có nhiều ánh sáng. Màu trắng và xanh da trời: màu xanh da trời hay còn gọi là màu thiên thanh, gần giống với màu xanh dương nhưng dịu hơn và mang lại cảm giác tĩnh mịch.
V. Phong cách thiết kế Wabi Sabi
Rèm theo phong cách thiết kế Wabi Sabi
1. Phong cách thiết kế Wabi Sabi là gì?
Wabi Sabi là một thuật ngữ tiếng Nhật, vẻ đẹp của sự chưa hoàn thiện, nhấn mạnh sự đơn giản của vạn vật và theo đuổi việc hòa hợp với thiên nhiên, không ồn ào. Wabi chỉ sự đơn giản hay giản dị, nghĩa là loại bỏ những vật dụng trang trí không cần thiết để thể hiện lối sống khiêm tốn ở bên ngoài và không ngoan ở bên trong. Sabi đề cập đến sự cổ xưa, người ta quan niệm rằng, giá trị cùng với vẻ đẹp của một món đồ sẽ tăng dần theo thời gian trong quá trình sử dụng.
2. Nguồn gốc của phong cách thiết kế Wabi Sabi?
Phong cách Wabi Sabi bắt nguồn từ triết học Nhật Bản vào thế kỷ 15. Khi phong cách Wabi Sabi được tạo ra nó đã góp phần thay đổi cái nhìn của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, vào thời điểm đó, gu thẩm mỹ đại chúng sử dụng quá nhiều các vật liệu quý hiếm để trang trí và quá chú trọng đến sự sang trọng, xa xỉ.
3. Đặc điểm của phong cách thiết kế Wabi Sabi?
Rèm sáo theo phong cách thiết kế Wabi Sabi
Bố cục tự do, bất đối xứng: Phong cách Wabi Sabi rất khác so với gu thẩm mỹ đối xứng truyền thống, nó thể hiện một vẻ đẹp bất đối xứng. Bố cục đơn giản, đáp ứng các nhu cầu chức năng cơ bản nhất và duy trì sự " trống rỗng" của chủ nghĩa tối giản.
Phối màu mộc mạc, tự nhiên: phong cách Wabi Sabi là phong cách “lạnh lùng” hơn phong cách tối giản, ở đây sẽ không xuất hiện những gam màu tươi sáng hay những gam màu kích thích thị giác. Đối với phong cách Wabi Sabi màu nâu đất thường được sử dụng làm màu cơ bản, ngoài ra màu be và xám cũng là những tông màu được sử dụng phổ biến.
Chất liệu mộc mạc, nguyên bản: so với một số phong cách trang trí khác, phong cách Wabi Sabi mang đến cho người nhìn cảm giác mộc mạc hơn. Chất liệu đồ nội thất hầu hết xuất hiện dưới dạng nguyên mẫu, chẳng hạn như bàn ghế có họa tiết gỗ, tường có họa tiết thô, tác phẩm nghệ thuật nguyên mẫu bằng đá, chậu gốm với hình dạng rất ngẫu nhiên và thậm chí cả dây điện không được giấu kín.
4. Cách lựa chọn loại rèm phù hợp
Chất liệu: phong cách Wabi Sabi ủng hộ kết cấu tự nhiên, hãy chọn rèm vải chất liệu cotton, lanh có thể làm cho căn phòng tràn ngập bầu không khí tự nhiên, yên tĩnh
Kiểu dáng, họa tiết: phong cách thiết kế Wabi Sabi đề cao vẻ đẹp của sự chưa hoàn thiện, chính vì thế mà rèm cửa không nên chọn những mẫu được gia công cầu kỳ, họa tiết cũng cần có sự tiết chế không gây hiệu ứng thị giác mạnh, có thể sử dụng họa tiết cây cỏ, hoa lá hay những họa tiết khác mang hơi thở của thiên nhiên, những họa tiết này phải có màu trung tính gần tệp với tông màu của vải.
Màu sắc: phong cách thiết kế Wabi Sabi có bảng màu trầm, làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu và kết cấu mà không bị phân tâm bởi các màu đậm hoặc sáng. Chính vì thế, bạn nên chọn rèm có màu sắc trung tính, nhẹ nhàng như màu be, màu nâu sẫm và màu xám. Những màu sắc này được chọn vì tác dụng làm dịu và tạo nền tảng, đồng thời chúng phối hợp với nhau để tạo ra cảm giác hài hòa và cân bằng.
Kết luận
Khi lựa chọn rèm cửa điều quan trọng hãy chú ý đến sự hài hòa về màu sắc, lựa chọn chất liệu phù hợp với tổng thể phong cách thiết kế của không gian. Cân nhắc giữa yếu tố thẩm mỹ và tính năng để đảm bảo rèm vừa đẹp vừa dễ dàng sử dụng. Nên chọn từ hai bộ rèm cửa trở lên để thay đổi và làm mới không gian sống theo mùa hoặc theo sở thích cá nhân.