Các kiểu may rèm vải hiện nay

08/12/2023 14:40:43
0

Bên cạnh việc lựa chọn chất liệu, màu sắc cũng như hoa văn của rèm, thì việc lựa chọn kiểu dáng hay cách may rèm cũng rất quan trọng. Mặc dù rèm cửa đã rất phổ biến nhưng có nhiều kỹ thuật may rèm vô cùng sáng tạo mà có thể bạn chưa biết tới, hãy cùng tìm hiểu các kiểu may rèm vải trên thị trường để tìm ra loại phù hợp với không gian của gia đình bạn.

Đầu tiên, dựa vào cách may đầu rèm chúng ta có thể phân loại thành các kiểu dáng rèm khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có 3 kiểu may rèm phổ biến là rèm ore, rèm xếp ly và rèm định hình, với ưu điểm là kiểu dáng phù hợp với nhiều không gian thiết kế nội thất từ đơn giản, hiện đại đến cổ điển hay tân cổ điển. Ngoài ra còn rất nhiều những kiểu may độc đáo và thú vị khác.

1. Rèm ore (Eyelets curtains)

Rèm Ore sử dụng thanh treo rèm

Cận cảnh rèm Ore

Rèm ore sử dụng các khuyên tròn bằng kim loại hoặc nhựa (trên thị trường có hai kích thước vòng khuyên mặc định là phi 28 và phi 33) được cố định trực tiếp vào phần vải rèm phía trên với khoảng cách đều nhau, tạo nếp sóng to và suôn đều từ trên xuống dưới, nhưng cũng vì thế mà nhìn tổng thể rèm có phần hơi thô. Rèm ore mang phong cách hiện đại, có độ bền cao, rèm sử dụng thanh treo nên rất phù hợp cho các khu vực không lắp đặt hộp rèm.

2. Rèm xếp ly (Pleats curtain)

Rèm xếp ly còn gọi là rèm chiết ly, loại rèm này đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa bao giờ lỗi mốt và kém cạnh so với các kiểu may rèm cửa khác. Rèm xếp ly được may theo kiểu xếp múi tạo độ chun lượn sóng giống rèm ore, tuy nhiên loại rèm này khi kéo sẽ rất dễ bị vỡ sóng, nên trong quá trình sản xuất cần thiết thêm một bước gia công định hình. Rèm xếp ly thường sử dụng thanh ray, thích hợp dùng cho cửa có hộp rèm.

Thanh ray rèm

Rèm xếp ly được chia làm 3 loại:

Rèm xếp ly đơn (Single pleat): mỗi múi rèm được cấu tạo từ 1 ly vải, tuy nhiên vì múi rèm quá nhỏ nên sóng vải hầu như không có, hiện nay rất ít gia đình lựa chọn loại rèm này.

Rèm xếp ly đơn

Rèm xếp ly đôi (Double pleat): mỗi múi rèm được tạo thành từ 2 ly vải xếp bằng nhau và được may cố định tạo thành một sóng, rèm xếp ly đôi mang phong cách nhẹ nhàng và thanh lịch. Đây cũng là kiểu được ưa chuộng nhất trong các loại rèm xếp ly.

Rèm xếp ly đôi

Rèm xếp ly ba (Triple pleat): tương tự như rèm xếp ly đôi, nhưng mỗi múi rèm được tạo thành từ 3 ly vải trông điệu đà hơn và tạo sóng to rõ hơn loại xếp ly đôi. Rèm xếp ly ba đòi hỏi tay nghề người thợ khéo léo để các ly đều nhau.

3. Rèm định hình (Wave shape)

Rèm định hình giúp sóng đều từ trên xuống

Cận cảnh phụ kiện rèm định hình

Rèm định hình là kiểu rèm mới được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Có thể nói, rèm định hình đã loại bỏ được tất cả các nhược điểm mà ngay cả các kiểu may phổ biến như ore hay chiết ly không làm được. Không phải tự nhiên rèm định hình được gọi là wave shape, rèm định hình giúp các sóng rèm đều tăm tắp từ đầu rèm đến gấu rèm, tạo hiệu ứng như những con sóng nối tiếp nhau. Rèm định hình nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ sự đơn giản, tinh tế và thích hợp với không gian hiện đại, tối giản.

Không giống những loại rèm khác trên thị trường, rèm định hình dùng thanh ray định hình riêng, điều này khá bất tiện nếu nhà bạn đã lắp đặt thanh ray rèm trước đó, tuy nhiên loại rèm này rất phù hợp với những cửa có kích thước chiều rộng lớn hay cửa không có hộp rèm nhưng bạn lại không muốn sử dụng thanh treo rèm.

4. Một số cách may rèm khác

4.1 Rèm Tab Top

 

Rèm Tab Top

Kiểu may rèm này mang lại nét đơn giản, mộc mạc theo xu hướng natural rất được yêu thích trong kiến trúc nhà ở mang phong cách Nhật Bản. Rèm Tab may trực tiếp các vòng vải trên đầu rèm, khi treo chỉ cần luồn thanh treo qua các vòng vải mà không cần dùng đến móc. Nhược điểm của rèm Tab là độ định hình sóng kém, tuy nhiên cũng chính điều đó lại tạo ra nét phóng khoáng, mộc mạc của loại rèm này.

4.2 Rèm Back Tabs

Rèm Back Tabs 

Rèm Back Tabs khắc phục được nhược điểm của rèm Tab Top, không giống Tab Top loại rèm này may các vòng vải ra phía sau đầu rèm, khi treo chỉ cần luồn thanh treo qua các vòng vải phía sau giúp thanh treo không bị lộ ra ngoài.

4.3 Rèm nhún (Pencil pleat Curtains)

Rèm nhún

Hiện nay, rèm nhún không được ưa chuộng tại Việt Nam, vì kiểu may này không có tính thẩm mỹ cao và không phù hợp với nhiều phong cách thiết kế. Phần đầu tấm rèm được may xếp lại thành các ly rất nhỏ và không đồng đều, tạo ra các nếp sóng hỗn loạn, không theo quy tắc.

4.4 Rèm cốc (Goblet headed)

Rèm cốc

 

Cận cảnh rèm cốc

Rèm cốc cũng là một kiểu rèm truyền thống. Phần đầu rèm được tạo hình giống như những chiếc cốc và được đệm thêm miếng nhựa plastic để cố định hình dạng của chúng. Kiểu rèm cốc thích hợp với những không gian sang trọng và mang tính cổ điển.

4.5 Rèm gấp ngược (Inverted pleat)

Rèm gấp ngược

Rèm Inverted pleat có cách may ngược lại so với rèm xếp ly, thay vì phần ly được may về phía trước thì chúng được giấu ở phía sau, phía trước được may phẳng phiu trông giống như chân váy xếp ly.

Kết luận

Kiểu may rèm cửa phong phú và đa dạng, giúp đáp ứng mọi nhu cầu từ trang trí nội thất khác nhau. Chúng có thể linh hoạt tùy chỉnh kích thước, màu sắc và chất liệu giúp tô điểm cho không gian sống và bảo vệ đồ nội thất khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.